Hotline

Tư vấn, đặt hàng 24/24

096 908 9996
Trang chủTin tứcSUY BUỒNG TRỨNG SỚM Ở NỮ GIỚI

SUY BUỒNG TRỨNG SỚM Ở NỮ GIỚI

26 / 05 / 2020 Ths.Ds Lê Trọng Tâm

1, Tổng quan về suy buồng trứng ( SBT ) sớm:

 Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng của nữ giới, giúp phụ nữ có thể thực hiện thiên chức làm mẹ cao quý của mình.

 Buồng trứng vừa sản sinh ra tế bào trứng vừa là nơi bài tiết các hoocmon sinh dục như: Estrogen và Progesteron.

SBT sớm là hiện tượng buồng trứng suy giảm chức năng, thậm chí là tạm ngừng hoạt động ở phụ nữ sau dậy thì và trước 40 tuổi.

Suy buồng trứng sởm ở nữ giới

 Suy buồng trứng hay còn được gọi là chứng mãn kinh sớm. Thông thường, ngoài 45 tuổi, buồng trứng phụ nữ mới bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, theo thống kê những năm gần đây, hiện tượng này ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thậm chí, gặp ở những bé gái 18 tuổi.

 Bệnh lí này khiến tế bào trứng không còn được sản sinh và nuôi dưỡng, nên quá trình thụ thai không thể diễn ra. Gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các chị em phụ nữ.

 Bên cạnh đó, suy buồng trứng khiến các hoocmon hướng sinh dục không còn được sản sinh. Điều này làm giảm ham muốn và gây hiện tượng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể nữ giới.

 Các bác sĩ cho rằng, bệnh lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn và ảnh hưởng đến đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng.

 Trong bài viết này, trung tâm Thuoc365 xin gửi tới quý bạn đọc những thông tin cần thiết đến bệnh lí suy buồng trứng sớm, cũng như cách nhận biết và hướng điều trị hội chứng này.

2, Những nguyên nhân nào dẫn đến suy buồng trứng sớm?

 Hiện nay, các chuyên gia đã xác định được nhiều nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng. Một số nguyên nhân thường thấy trên thực tế điều trị như:

 Áp lực tâm lí: Cuộc sống hiện đại khiến nhiều phụ nữ phải đối mặt với áp lực cuộc sống và công việc. Khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh thực vật. Điều này gây ảnh hưởng đến sự điều tiết hoocmon trong cơ thể, đặc biệt là Estrogen. Buồng trứng dần suy giảm chức năng và thời kì mãn kinh đến sớm hơn.

 Do nạo phá thai: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng suy buồng trứng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Việc nạo phá thai không chỉ ảnh hưởng đến cấu tạo thành tử cung mà còn gây viêm nhiễm buồng trứng. Nạo thai nhiều lần hoặc không an toàn sẽ khiến buồng trứng lão hóa, giảm chức năng và dẫn tới vô sinh.

 Do ảnh hưởng sau điều trị: Ở những phụ nữ lạm dụng thuốc kích thích buồng trứng hoặc từng thực hiện các phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng (một bên hoặc cả hai bên), thường có nguy cơ cao mắc bệnh lí này.

 Suy buồng trứng tự phát: Ở một số phụ nữ trẻ, có dấu hiệu hành kinh không đều hoặc vô kinh trong thời gian dài mà không được điều trị kịp thời. Rất có thể sẽ dẫn đến hiện tượng tắt kinh đột ngột khi bước vào độ tuổi sinh sản sau này.

 Đồng thời, cơ thể xuất hiện một số triệu chứng mãn kinh như: dễ cáu gắt, bốc hỏa, khô rát âm đạo,…Ngoài ra, có thể mắc bệnh loãng xương, các biến chứng tim mạch hoặc rối loạn chuyển hóa.

 Nhiễm virus: Một số virus như virus quai bị hay Herpes simplex (HSV) có thể gây viêm nhiễm buồng trứng. Sự tấn công của các virus này dẫn đến hiện tượng buồng trứng tự miễn, gây rối loạn chức năng và mãn kinh sớm.

 Ép cân quá mức: Rất nhiều chị em phụ nữ luôn muốn giữ cho thân hình thon gọn. Tuy nhiên, việc giảm cân quá mức với chế độ dinh dưỡng ngặt nghèo khiến cho lượng chất béo trong cơ thể “tuột dốc” quá mức quy định.

 Điều này khiến cho nồng độ Estrogen bị thiếu hụt, bởi chất béo chính là nguyên liệu chủ yếu để tạo thành Estrogen.

 Estrogen thiếu gây ra các rối loạn kinh nguyệt, có thể dẫn tới vô kinh, ức chế quá trình rụng trứng. Từ đó, buồng trứng bị lão hóa sớm, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản nữ giới.

 Sử dụng rượu bia, thuốc lá: Nồng độ Ancohol cao trong rượu và hợp chất nicotin có trong thuốc lá chính là các tác nhân độc hại gây suy buồng trứng sớm.

 Môi trường sống ô nhiễm: Nếu như bạn thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nguồn nước nhiễm bẩn, không khí ô nhiễm,…đặc biệt là các chất phóng xạ.

 Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến thể trạng mà còn làm tổn thương các tế bào trứng, gây suy buồng trứng sớm, giảm sức khỏe sinh sản.

3, Dấu hiệu nhận biết tình trạng suy buồng trứng sớm:

Dấu hiệu suy buồng trứng sớm

 Từ lâu, suy buồng trứng sớm đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ. Do đó, việc nhận biết các biểu hiện của bệnh để có định hướng thăm khám và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

 Trên thực tế điều trị cho thấy, dấu hiệu thường gặp nhất ở đa số bệnh nhân nhưng lại hay bị bỏ qua nhất chính là rối loạn kinh nguyệt.

 Rất nhiều chị em phụ nữ khi thấy chu kì kinh nguyệt của mình không đều, thậm chí là mất kinh,…lại thường nghĩ là do stress. Điều này khiến bệnh tiến triển âm thầm, khi phát hiện thì tình trạng suy buồng trứng đã vào giai đoạn sau.

 Ngoài ra, suy buồng trứng còn có một số biểu hiện sớm tương tự như thời kì mãn kinh như:

  • Nhan sắc giảm sút: Da dẻ trở nên khô ráp, chảy xệ, kém mịn màng. Xuất hiện những nếp nhăn, đặc biệt là quanh miệng và đuôi mắt. Các vết nám hoặc đồi mồi trở nên nhiều hơn.

 Móng tay, móng chân giòn, dễ gãy hơn. Tóc cũng dễ rụng, khô và xơ rối hơn.       

 Vòng một không còn săn chắc, mỡ thừa tập trung nhiều ở vùng bụng.

  • Nhu cầu sinh lí giảm: Ở bệnh nhân có dấu hiệu của suy buồng trứng sớm, thường ngại gần gũi với bạn tình và có xu hướng né tránh chuyện tình dục.

 Do lượng Estrogen trong cơ thể suy giảm, khiến cho âm đạo trở nên khô rát và gây đau khi quan hệ. Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng của nhiều chị em phụ nữ.

  • Sức khỏe suy giảm: Một số triệu chứng khác thường đi kèm với tình trạng suy buồng trứng như: đau đầu, chóng mặt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Ngoài ra, còn tăng nguy cơ loãng xương, dễ gãy xương và các bệnh đường tiết niệu,…

4, Suy buồng trứng sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nào?

 Suy buồng trứng là một căn bệnh phụ khoa nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể trạng và tinh thần của cơ thể. Do sự mất cân bằng nồng độ hoocmon nên sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như:

 Vô sinh: Tuy không phải tất cả phụ nữ mắc suy buồng trứng sớm đều không thể mang thai. Nhưng đây được xem là điều đáng lo ngại nhất của hội chứng này gây ra.

 Loãng xương: Lượng Estrogen giảm sút khiến cho canxi và các chất khoáng khác ở xương không được duy trì.

 Sự tiêu xương có thể xảy ra, dẫn đến tỷ trọng xương giảm, xương trở nên giòn và dễ gãy. Đó chính là nguyên nhân gây loãng xương.

 Trầm cảm: Trước áp lực và những khó khăn về việc mang thai do bệnh suy buồng trứng gây ra, cộng thêm sự mất cân bằng hoocmon trong cơ thể. Nữ giới dễ rơi vào tình trạng lo âu, phiền muộn, thậm chí là trầm cảm kéo dài.

 Ngoài ra, còn một số bệnh hiếm gặp khác được chứng minh là có liên quan đến hội chứng suy buồng trứng như: tim mạch, addison, suy tuyến giáp,…

5, Các xét nghiệm dùng trong chẩn đoán suy buồng trứng sớm:

Xét nghiệm AMH dùng để chẩn đoán suy buồng trứng sớm

 Vậy để xác định mình có mắc suy buồng trứng sớm hay không, bạn sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm gì?

 Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác những dấu hiệu bệnh và tiền sử, đặc biệt là những rối loạn trong chu kì kinh nguyệt. Thông thường, bệnh nhân sẽ khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa.

 Cho đến nay, xét nghiệm máu luôn được xem là kĩ thuật quan trọng để đưa ra chẩn đoán. Một số yếu tố được kiểm tra khi bệnh nhân xét nghiệm máu như:

  • Thử nghiệm mang thai: Thử nghiệm này nhằm mục đích loại trừ khả năng bệnh nhân có thai ngoài ý muốn, dẫn đến việc mất kinh nguyệt.
  • Kiểm tra nồng độ FSH: FSH là hoocmon kích thích nang trứng, được giải phóng từ thùy trước của tuyến yên.

Thông thường, ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thì nồng độ FSH sẽ dao động khoảng từ 4,7-21,5 IU/L vào ngày thứ 3 của chu kì kinh.

Khi nữ giới bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ giảm đáp ứng với hoocmon FSH và LH. Do đó, nồng độ nội tiết tố này sẽ có xu hướng tăng lên trong máu, thường sẽ tăng lên từ 30 IU/L trở lên.

Chính vì thế, với các bệnh nhân dưới 40 tuổi, được chỉ định đo nồng độ FSH ở ngày thứ ba của chu kì kinh nguyệt, nếu tăng từ 30-40 IU/L trở lên thì sẽ được chẩn đoán là suy buồng trứng sớm.

  • Kiểm tra nồng độ Estradiol: Estradiol là một dạng của hoocmon Estrogen, có hoạt lực mạnh nhất. Được sản xuất ra ở tuyến vú, tinh hoàn, buồng trứng và tuyến thượng thận.

Trong một chu kì kinh nguyệt bình thường, sau khi nang trứng bắt đầu phát triển dưới kích thích của hoocmon FSH, noãn bào sẽ giải phóng Estradiol.

Hoocmon này sẽ tác động lên tuyến yên và vùng dưới đồi giải phóng LH và GnRH nhằm thúc đẩy quá trình rụng trứng.

Ở những bệnh nhân mắc suy buồng trứng sớm, nang noãn sẽ không phát triển do buồng trứng không đáp ứng với FSH. Do đó, nang trứng không tiết ra Estradiol khiến cho nồng độ hoocmon này ở trong máu sẽ thấp hơn bình thường.

  • Kiểm tra nhiễm sắc thể: Đây là xét nghiệm được thực hiện ngoài việc kiểm tra FSH và Estradiol. Do một trong những nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng là chỉ có một nhiễm sắc thể X hoặc có một số khiếm khuyết khác trên nhiễm sắc thể giới tính.

6, Phụ nữ suy buồng trứng có cơ hội mang thai không?

 SBT sớm là một bệnh lí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người phụ nữ mà còn tác động đến khả năng sinh sản.

 Trong đó, vô sinh được xem là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của suy buồng trứng.

 Tuy nhiên, trên thực tế có khoảng 5-10% phụ nữ mắc SBT vẫn có thể thành công trong việc thụ thai tự nhiên mà không có bất cứ can thiệp y khoa nào.

 Và khoảng 50% bệnh nhân được chẩn đoán suy buồng trứng vẫn có hoạt động buồng trứng trong nhiều năm sau, mặc dù có phần gián đoạn và khó dự đoán. Điều này sẽ góp phần tăng tỉ lệ mang thai thành công.

 Hiện nay, với sự phát triển của y học, nhiều phương pháp hiện đại đã được áp dụng để điều trị vô sinh cho phụ nữ suy buồng trứng và đã thành công trên nhiều bệnh nhân.

 Chính vì vậy, nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu mắc suy buồng trứng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý sớm. Đừng để những lo lắng và áp lực ảnh hưởng lên quá trình điều trị, bạn nhé.

7, Phương pháp điều trị suy buồng trứng sớm hiện nay:

 Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam, chưa có phương pháp phục hồi hoàn toàn chức năng và những hoạt động bình thường của buồng trứng.

 Việc điều trị suy buồng trứng chủ yếu là cố gắng phát hiện sớm và giải quyết những triệu chứng, để hạn chế thấp nhất những rủi ro mà bệnh mang lại.

 Có hai hướng điều trị được chú ý hiện nay đó là:

 Liệu pháp hoocmon thay thế (HRT): Mục đích chính của phương pháp này là bổ sung lượng Estrogen thiếu hụt do suy buồng trứng sớm. Từ đó, giúp làm giảm các triệu chứng như: lão hóa da, rối loạn thể chất, rối loạn vận mạch, bốc hỏa, khô rát âm đạo,…

 Ngoài ra, việc tăng cường Estrogen kịp thời còn giúp cho người bệnh cân bằng lại nội tiết tố buồng trứng, giảm nguy cơ loãng xương do suy buồng trứng sớm.

Khi điều trị suy buồng trứng sớm bằng liệu pháp thay thế hoocmon, niêm mạc tử cung được tái tạo lại, thúc đẩy buồng trứng hoạt động, làm cho chu kì kinh nguyệt ổn định trở lại. Từ đó, kích thích nang noãn phát triển, khiến trứng chín và rụng tự nhiên.

 Bên cạnh đó, Estrogen còn “đánh thức” các tuyến ở cổ tử cung, khiến chúng hoạt động trở lại, tiếp tục tiết chất nhầy để duy trì độ ẩm, cải thiện tình trạng khô rát âm đạo khi quan hệ.

 Estrogen thường được sử dụng đồng thời cùng Progesteron nhằm giảm thiểu nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung.

 Điều trị vô sinh: Với những bệnh nhân suy buồng trứng sớm có mong muốn mang thai, việc điều trị sẽ thường chú trọng phục hồi chức năng của buồng trứng.

 Một số loại thuốc thường sử dụng như: Corticosteroid, Oestrodiol, Clomiphene citrate.

 Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các biện pháp thụ tinh nhân tạo hoặc sử dụng trứng hiến tặng để thụ tinh với tinh trùng của chồng.

 Tóm lại, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị suy buồng trứng, mỗi phương pháp điều có những ưu điểm và tiềm ẩn những rủi ro riêng. Chính vì thế, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất bạn nhé.